Wikipedia:Bảo vệ trẻ em
Đây là một trang tài liệu về chính sách Wikipedia với xem xét quy phạm pháp luật. |
Tóm tắt trang này: Những người dùng nào tìm kiếm hoặc ủng hộ một mối quan hệ không phù hợp với trẻ em, dù đó là trẻ em trong hay ngoài cộng đồng Wikipedia, sẽ bị cấm vĩnh viễn. Mọi sự nghi ngờ hay cáo buộc cần được liên lạc với Wikipedia tại legal-reportswikimedia.org. |
Chính sách pháp lý |
---|
Wikipedia xem sự an toàn của trẻ em khi sử dụng trang web này là một vấn đề tối quan trọng. Những biên tập viên nào sử dụng Wikipedia với mục đích theo đuổi hoặc tạo điều kiện hay hợp pháp hóa mối quan hệ không phù hợp giữa người lớn và trẻ em, những ai cổ súy cho các mối quan hệ không phù hợp giữa người lớn và trẻ em dù là trẻ em trong hay ngoài cộng đồng Wikipedia (ví dụ: bày tỏ suy nghĩ rằng mối quan hệ không phù hợp ấy sẽ không có hại gì cho trẻ em), hay những ai tự nhận mình là một người ái nhi, sẽ bị cấm tài khoản vĩnh viễn trên toàn hệ thống Wikimedia. Những trường hợp giả mạo trẻ em, tự nhận mình là trẻ em dù không phải cũng có thể dẫn đến việc bị cấm.
Chính sách nhất quán của Wikimedia Foundation
Bản Điều khoản Sử dụng của Wikimedia Foundation liệt kê những hành vi sau đây được xem như là sử dụng trang web một cách phi pháp, và bị ngăn cấm:
- Đăng tải nội dung khiêu dâm trẻ em hoặc bất kỳ nội dung nào khác vi phạm luật pháp hiện hành liên quan đến nội dung khiêu dâm trẻ em hoặc tài liệu xâm phạm tình dục trẻ em, hoặc khuyến khích, dung dưỡng, hoặc ủng hộ những người khác tạo ra hoặc chia sẻ các tài liệu như vậy; và
- Đăng tải hoặc buôn bán các tài liệu khiêu dâm có tính bất hợp pháp theo luật pháp hiện hành; và
- Sử dụng dịch vụ theo cách không phù hợp với luật pháp hiện hành.
Chính sách này áp dụng lên tất cả dự án của Wikimedia. Nó không thể bị phá vỡ, xâm phạm hoặc bỏ qua bởi các chính sách của dự án địa phương.
Xử lý báo cáo và chế tài
Báo cáo ghi nhận những trường hợp biên tập viên cố gắng theo đuổi hoặc tạo điều kiện cho các mối quan hệ không phù hợp giữa người lớn và trẻ em, hoặc tỏ ra thiếu tin cậy hay thiếu an toàn, nên được gửi về Nhóm OTRS qua thư điện tử: [info-viwikimedia.org], hoặc gửi trực tiếp bằng tiếng Anh cho Wikimedia Foundation qua thư điện tử: [legal-reportswikimedia.org]. Những thông tin gửi đến hai địa chỉ trên sẽ được xem là tài liệu tuyệt mật và được xử lý theo Chính sách riêng tư của Wikimedia Foundation. Báo cáo những vấn đề liên quan đến hình ảnh cũng nên được gửi đến một trong hai địa chỉ trên.
Tuyệt đối không công khai vấn đề này ra các trang của Wikipedia. Các bảo quản viên và thành viên có quyền giám sát (triệt bỏ/xóa hẳn) được phép và cần nhanh chóng sử dụng công cụ xóa phiên bản để ẩn nội dung này khỏi công chúng, bao gồm những bình luận tỏ ý nghi ngờ một biên tập viên là người ái nhi, để tránh sự vi phạm quyền riêng tư và phỉ báng. Bảo quản viên cũng có thể xem xét cấm người dùng nào đăng công khai những nghi ngờ hay lời cáo buộc một biên tập viên khác trong không gian dự án, trừ trường hợp họ hoàn toàn không biết đến chính sách này. Bảo quản viên nào trực tiếp xử lý những tình huống này cần báo cáo lại qua một trong hai địa chỉ thư điện tử đã cung cấp ở trên ngay lập tức.
Bảo quản viên xem xét áp dụng biện pháp cấm đối với những tài khoản rõ ràng vi phạm quy định về quyền riêng tư, quấy rối hoặc đe dọa cả về tinh thần lẫn thể xác đối với mọi biên tập viên khác, bao gồm và đặc biệt là trẻ em. Trong trường hợp thông tin cá nhân của trẻ em vô tình hay cố ý bị tiết lộ, bảo quản viên cần khẩn trương xóa phiên bản và liên hệ một cách riêng tư với các tiếp viên theo hướng dẫn tại Yêu cầu giám sát trên Meta-Wiki để họ triệt bỏ hoàn toàn phiên bản trang có nội dung nhạy cảm đó ra khỏi công chúng.
Lời khuyên dành cho biên tập viên nhỏ tuổi
Nếu bạn là một biên tập viên nhỏ tuổi và cảm thấy có ai đó trong Wikipedia đang hành xử theo một cách mà bạn cho rằng có thể đe dọa đến sự an toàn của bản thân bạn, hoặc tỏ ra quan tâm đến bạn dù dưới bất kỳ hình thức nào, hãy nhanh chóng báo cho một người lớn có trách nhiệm, và yêu cầu họ xem trang chính sách này. Không tiếp tục giao tiếp với người đó—hãy phớt lờ người đó một cách tuyệt đối. Đừng bao giờ tiết lộ các thông tin như địa chỉ nhà hay số điện thoại, địa chỉ thư điện tử cho bất kỳ ai, kể cả khi người đó nói rằng họ muốn tìm cách giúp đỡ bạn. Nếu cảm thấy có một văn bản hay hình ảnh nào bạn vừa đóng góp cho Wikipedia mà có nguy cơ làm lộ thông tin cá nhân của bạn, xin hãy liên lạc ngay với một bảo quản viên.
Không bao giờ trả lời một thư điện tử có nhãn "[Thư gửi từ Wikipedia]", vì với việc trả lời thư, bạn sẽ vô tình để lộ địa chỉ thư điện tử của bản thân cùng những dữ liệu nhạy cảm khác, bao gồm địa chỉ IP, cho người được trả lời. Nếu bạn nhận được một thư điện tử có nội dung mời gọi gặp mặt, dùng các từ ngữ khiếm nhã, hay đề cập đến giới tính và những bộ phận trên cơ thể bạn, chúng tôi đặc biệt khuyên bạn báo lại với phụ huynh, người giám hộ, nhà cung cấp dịch vụ Internet, hay thậm chí là cảnh sát khu vực hoặc mọi phương pháp khác có thể làm để bảo vệ an toàn cho chính bạn. Tùy thuộc vào tình hình, bạn có thể ngay lập tức vô hiệu hóa địa chỉ thư điện tử đã thiết lập trong Wikipedia của mình, hay thậm chí rời bỏ tài khoản Wikipedia hiện đang sử dụng, thay đổi hoàn toàn địa chỉ thư điện tử hoặc nhà cung cấp dịch vụ Internet, kiểm tra an ninh tại nơi bạn đang sống, và tất nhiên là cả việc truy tố pháp luật.
Xem thêm
- Wikipedia:Lời khuyên dành cho phụ huynh
- Wikipedia:Quy định cấm tài khoản liên quan đến việc bảo vệ trẻ em
- Wikipedia:Hướng dẫn dành cho biên tập viên nhỏ tuổi
- Wikipedia:Wikipedia không phải là một trận chiến
- Wikipedia:Wikipedia không bị kiểm duyệt
- Trợ giúp:Tùy chỉnh ẩn hình ảnh
- Wikipedia:Nội dung tình dục
- Wikipedia:Nội dung khiếm nhã
- Commons:Bảo vệ trẻ em (chính sách chuyên về hình ảnh trên Wikimedia Commons)
- Chính sách pháp lý của Wikimedia Foundation về vấn đề khiêu dâm trẻ em